Bối cảnh Khủng_hoảng_cuối_nhà_Lê_sơ

Lật đổ Lê Tương Dực

Lê Tương Dực, tên thật là Lê Oanh (黎瀠), con trai thứ hai của Kiến vương Lê Tân, là cháu nội của Lê Thánh Tông, dưới thời Lê Hiến Tông được ban phong hiệu Giản Tu công (簡修公). Khi Lê Uy Mục nghi ngờ tôn thất, bắt giam ông trong ngục, ông đã tìm kế thoát ra, gặp được Nghĩa quận công Nguyễn Văn Lang hiện đang ẩn dật tại Lam Kinh. Hai người tập hợp lực lượng, thảo chiếu dấy binh và tiến vào Đông Kinh vào năm 1509. Vua Uy Mục phải uống thuốc độc tự vẫn. Lê Tuơng Dực lên ngôi, đặt niên hiệu là Hồng Thuận (洪順), bắt đầu thời kỳ trung hưng ngắn ngủi sau sự náo loạn dưới thời Uy Mục.

Hồng Thuận trung hưng

Trong những năm đầu cầm quyền, Lê Tương Dực cũng có vài đóng góp thể hiện sự cố gắng vực dậy đất nước đã suy tàn, nhất là trong lĩnh vực khoa cử. Năm 1511, ông tổ chức kỳ thi Hội, đến kỳ thi Đình thì ông đích thân ra đề văn hỏi về đạo trị quốc. Ông cho trùng tu Quốc Tử Giám, dựng lại bia tiến sĩ tỏ rõ sự khuyến khích hiền tài. Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhạc đã soạn bài ký ở Quốc Tử giám ca ngợi công đức của Lê Tương Dực, đánh giá là người đủ tài đức để tiếp nối cơ nghiệp của Thuần Hoàng khi xưa. Bấy giờ, Lại bộ tả thị lang Lương Đắc Bằng dân kế trị nước, đại ý khuyên rằng sửa sang văn chiếu điển lệ; tỏ lòng hiếu để cho người trong nước thuận theo; rời xa sắc dục; không dùng lời nịnh; không tùy tiện trao thưởng quan tước; cân nhắc bổ nhiệm quan lại chân chính công bằng; tiết kiệm chi tiêu để khuyến khích sự liêm chính; khen người tiết nghĩa để trọng đạo cương thường; cấm hối hộ bỏ trừng thói tham ô; sửa sang võ bị để thủ thế hùng cường; lựa chọn ngôn quan để trọng dụng lời thật; nới nhẹ việc phu để xót thương dân chúng; hiệu lệnh tín thực để nắm ý chí thiên hạ; luật pháp chế độ phải thận trọng để mở nền thịnh trị thái bình. Bấy giờ Tương Dực Đế đều cho là lời hay, luôn nghe theo, chẳng mấy chốc mở ra thời kỳ trung hưng thịnh vượng dưới thời cai trị của ông.

Năm 1510, Tương Dực sai quan Binh bộ Thượng thư là Vũ Quỳnh soạn bộ Đại Việt thông giám thông khảo, gọi tắt là Đại Việt thông giám hay Việt giám thông khảo. Đại Việt thông giám gồm 26 quyển, chia thành Ngoại kỷ chép từ Hồng Bàng đến hết nhà Ngô, Bản kỷ từ Đinh Tiên Hoàng đến đầu thời Lê Thái Tổ. Tương Dực còn sai Lê Tung soạn bài tổng luận về bộ sử ấy. Theo Phan Huy Chú, bộ sách này được Lê Nại đánh giá là quy mô và đúng với kinh, trúng với sử.

Nạn đói và nổi loạn

Năm 1511, người làng Quang Bị, huyện Bất Bạt là Trần Tuân nổi loại ở vùng Sơn Tây. Bấy giờ, nhân dân các phố xá ở kinh thành náo động, đều đem vợ con về quê quán, đường phố không còn một ai đi lại. Lê Tương Dực sai Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản chỉ huy quan quân đi đánh Trần Tuân. Bấy giờ, quân của Tuân đã bức sát đến huyện Từ Liêm (Quốc Oai), quan quân bại trận, lui về đóng ở các xứ Đông Ngạc, Nhật Chiêu. Về sau, Trịnh Duy Sản lập đại công, phá tan được cuộc nổi loạn, được phong tước Nguyên quận công (原郡公).

Vào tháng 5 năm 1512, nhiều nơi ở Đại Việt liên tiếp xảy ra nạn đói nghiêm trọng do hạn hán và mất mùa. Do đó, những năm dưới thời Hồng Thuận thường xuyên xảy ra bạo loạn, khiến triều đình phải đánh dẹp vô cùng vất vả.

Tháng giêng năm 1512, Nguyễn Nghiêm nổi loạn vùng Sơn Tây và Hưng Hóa nhưng nhanh chóng bị tướng Đỗ Nhạc đánh dẹp.

Đến tháng 4 năm 1512, Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt làm loạn ở vùng Nghệ An. Vua sai Khang quận công Trần Nghi và Đông các hiệu thư Trần Dực đi đánh nhưng thất bại, Nghi và Dực cũng chết chìm ngoài biển. Quân phản loạn tiến đến Lôi Dương. Tháng 5, vua sai Trịnh Duy Sản chỉ huy quan quân đánh dẹp quân giặc.[1]

Tháng 1 năm 1515, Phùng Chương khởi nghĩa ở vùng núi Tam Đảo. Vua sai Ngô Bính và Trịnh Duy Sản đi đánh, Phùng Chương thua chạy.

Tháng 10 năm 1515, Đặng HânLê Hất làm loạn ở vùng huyện Ngọc Sơn, Thanh Hoa. Vua sai Đỗ Nhạc làm Tán lý quân vụ đi đàn áp cuộc nổi loạn.

Ngày 23 tháng giêng năm 1516, Trần Công Ninh nổi loạn ở xứ đò Hối, huyện Yên Lãng. Vua sai Đỗ Nhạc trấn giữ Kinh thành, vua đích thân đem các đại thần văn võ và đô đốc năm phủ đi theo. Quân ra cửa Bắc Thần, vua ngự ở hành tại bên sông Nhị Hà, ra lệnh cho các tướng qua sông tiến đánh, phá tan quân nổi dậy.

Năm 1516, Lê Tương Dực cho đắp thành rộng cả ngàn trượng chắn ngang sông Tô Lịch. Để thể hiện uy quyền đế vương, ông sai một người thợ là Vũ Như Tô xây điện 100 nóc, xây Cửu Trùng Đài. Quân dân làm trong mấy năm trời không xong, hao tổn tiền của, chết hại nhiều người. Bỏ bê việc nước, chỉ ngày ngày du ngoạn Tây Hồ, Tương Dực nghĩ ra nhiều trò quái lạ, làm dân chúng, binh lính mệt nhọc.